SINH VIÊN THỰC NGHIỆM ĐỀ TÀI BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ MẠCH LẠC CHO TRẺ 4-5 TUỔI THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG KỂ CHUYỆN THEO TRANH VỚI MÔ HÌNH SÁCH TẠI TRƯỜNG MẦM NON CLC LẠC VIỆT


09-04-2024

TS. Chu Đình Kiên 927

Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động học thuật thú vị của các bạn sinh viên năm thứ 2 trở đi. Trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng được đẩy mạnh và có nhiều kết quả cao.

Thông qua phong trào nghiên cứu khoa học, các em không chỉ áp dụng kiến thức lý thuyết từ học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành Giáo dục mầm non vào việc thực hiện một đề tài khoa học mà còn được trải nghiệm, vận dụng các tri thức tổng hợp của các học phần khác để hoàn thành một đề tài nghiên cứu cụ thể. Để thực nghiệm đề tài: Biện pháp phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ 4-5 tuổi thông qua hoạt động kể chuyện theo tranh với mô hình sách, ngày 8 tháng 4 năm 2024, nhóm các bạn sinh viên Nguyễn Lương Tuyết Nhi, Hồ Kiêu Van, Phạm Thị Thu Thủy, Hà Thị Hòa (Lớp 21SMN1 và 2) đã đến Trường Mầm non Chất lượng cao Lạc Việt (Khu dân cư 01 đường 605, Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng) để thực hiện giảng dạy trên trẻ và khảo sát kết quả đạt được.

Đối với trẻ 4-5 tuổi, đây là giai đoạn quan trọng để phát triển ngôn ngữ đặc biệt là ngôn ngữ mạch lạc. Hoạt động kể chuyện sáng tạo không chỉ phát triển tư duy ngôn ngữ và còn hình thành các kĩ năng giao tiếp có văn hóa. Phát triển ngôn ngữ mạch lạc cần có nhiều thời gian cũng như thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên. Nhận thấy tầm quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ 4-5 tại các trường mầm non, nhóm sinh viên Nguyễn Lương Tuyết Nhi, Hồ Kiêu Van, Phạm Thị Thu Thủy, Hà Thị Hòa (Lớp 21SMN1 và 2) đã lựa chọn và thực hiện đề tài Biện pháp phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ 4-5 tuổi thông qua hoạt động kể chuyện theo tranh với mô hình sách nhằm đề xuất một số biện pháp hỗ trợ cho giáo viên trong quá trình giảng dạy.

Hoạt động kể chuyện thông qua mô hình sách ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển ngôn ngữ mạch lạc của trẻ, giúp trẻ mở rộng hiểu biết được thế giới xung quanh. Thông qua hoạt động này giúp trẻ nhận thức được tính rõ ràng chính xác của từ, sự hoàn hảo của câu với cấu trúc ngữ pháp phong phú, phân biệt được ngữ điệu lời nói của các nhân vật khác nhau và giúp trẻ nhận biết được sự khác nhau giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Khi tiếp xúc với tác phẩm truyện, trẻ sẽ dễ dàng tưởng tượng, tái tạo các hình ảnh đã sẵn có, từ đó giúp trẻ kể lại câu chuyện logic, sáng tạo, qua đó phát triển ngôn ngữ mạch lạc tốt nhất. Nhờ có những câu chuyện, hình ảnh trực quan và giọng kể biểu cảm của giáo viên, trẻ dần dần hình thành cho mình vốn kiến thức, thể hiện hành vi giao tiếp đúng cách, cư xử chuẩn mực trong cuộc sống hàng ngày.

Đề tài đã xây dựng 5 biện pháp cơ bản để phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ 4-5 tuổi thông qua hoạt động kể chuyện theo tranh với mô hình sách. Bằng việc thực nghiệm nghiên cứu tại Trường Mầm non CLC Lạc Việt với kết quả như mong đợi, đề tài đã khẳng định tính khả thi và có thể áp dụng vào thực tiễn giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Một số hình ảnh của buổi giảng dạy thực nghiệm

Nguồn tin: Nguyễn Lương Tuyết Nhi, Hồ Kiêu Van, Phạm Thị Thu Thủy, Hà Thị Hòa (Lớp 21SMN1 và 2)