GIỚI THIỆU VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KHOA GIÁO DỤC MẦM NON

Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tự hào là đơn vị đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non có chất lượng cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và trên cả nước. Khoa có tiền thân là Trường Sư phạm Mẫu giáo Quảng Nam – Đà Nẵng - một trong những bộ phận hợp thành quan trọng của trường Trung học Sư phạm tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, sau này chính là Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

 

Những năm đầu sau giải phóng, nhận thấy tầm quan trọng của việc đào tạo một đội ngũ giáo viên mẫu giáo có trình độ chuyên môn và giàu lòng yêu trẻ để kịp thời đáp ứng nhu cầu chăm lo cho những mầm non của đất nước, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã quan tâm thành lập những cơ sở giáo dục, đào tạo giáo viên, cán bộ mẫu giáo, nuôi dạy trẻ. Năm 1977, Trường Sư phạm Mẫu giáo Quảng Nam – Đà Nẵng được thành lập do cô Nguyễn Thị Hương Lan làm Hiệu Trưởng (không có Hiệu phó). Khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ của trường chỉ gồm 10 giáo viên, trong đó có 02 người đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, số còn lại là những thầy cô đã tốt nghiệp Trường Sư phạm Mẫu giáo Trung ương I Hà Nội và Trường Sư phạm Mẫu giáo Trung ương II tại Đà Nẵng. Bộ phận Hành chính của Trường lúc này gồm có 09 người và 2 người ở Tổ phục vụ gồm cấp dưỡng và bảo vệ. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường lúc mới thành lập còn có một số cán bộ ở chiến khu về, một bộ phận khác thì từ trường cấp II chuyển đến.

Trong những năm tháng đầu tiên của trường, cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hương Lan cùng tập thể giáo viên, cán bộ của Trường đã phấn đấu vượt mọi khó khăn, gian khổ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện dạy học đến những vất vả trong đời sống của những năm bao cấp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo giáo viên mẫu giáo cho tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Năm 1980, thầy Phạm Xuân Cảnh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Xuân Sang làm Hiệu phó. Năm 1982 cô Dương Thanh Huế làm Hiệu Trưởng. Sau đó đến người kế nhiệm là cô Đinh Thị Tâm. Năm 1985 trường sáp nhập vào Trường Trung học Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng.

Cơ cấu tổ chức: Trường Sư phạm Mẫu giáo Quảng Nam – Đà Nẵng gồm có Phòng Tổ chức Hành chính, Tổ giáo vụ, Tổ nghiệp vụ, Tổ nâng cao và Tổ phục vụ. Trường có 01 chi bộ Đảng gồm 04 đảng viên do cô Nguyễn Thị Hương Lan làm Bí thư, đến năm 1980 thì sáp nhập với chi bộ trường Trung học Sư phạm.

Tổ chức Đoàn Thanh niên của trường có 17 đoàn viên trực thuộc Đoàn phường Thanh Lộc Đán, quận Thanh Khê và tổ chức Công đoàn trường trực thuộc Công đoàn Sở GD&ĐTQuảng Nam – Đà Nẵng. Hoạt động của các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên diễn ra rất sôi nổi và thiết thực, góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học của Nhà trường.

Lúc mới thành lập, trường có 04 phòng học và 1 phòng thư viện. Trong quá trình phát triển, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học từng bước được đầu tư. Từ chỗ chưa được trang bị các thiết bị dạy học cần thiết, hầu hết dụng cụ giảng dạy do giáo viên tự làm thì đến giai đoạn 1979 – 1980, Nhà trường đã nhận được nguồn viện trợ trang thiết bị dạy học từ Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), cung cấp đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy học và nội trú của giáo sinh.

Về công tác đào tạo, trường Sư phạm Mẫu giáo Quảng Nam – Đà Nẵng xây dựng chương trình đào tạo hệ sơ cấp 9 + 1 (sau này là hệ 12 + 1) và hệ bồi dưỡng nghiệp vụ 03 tháng được mở lớp lưu động tại các quận, huyện. Kế hoạch tuyển sinh của Nhà trường được xây dựng theo nhu cầu về giáo viên mầm non của các quận, huyện. Bên cạnh đội ngũ giáo viên đang có, Nhà trường còn mời giáo viên dạy âm nhạc từ trường Trung học Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng.

Trong thời gian tồn tại với tư cách là một cơ cở giáo dục độc lập trước khi sáp nhập vào trường Trung học Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng vào 8/1985, Trường Sư phạm Mẫu giáo Quảng Nam  – Đà Nẵng đã đào tạo được hơn 1000 giáo viên mầm non cho các địa phương của tỉnh và hàng trăm giáo viên mầm non được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ. Nhiều giáo sinh của Nhà trường sau khi tốt nghiệp và về công tác tại các trường mẫu giáo đã trở thành những cán bộ quản lý xuất sắc, đầy tâm huyết; nhiều người trở thành Hiệu trưởng các trường mầm non lớn, có chất lượng của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Mặc dù thời gian tồn tại độc lập không lâu và với điều kiện hết sức khó khăn của những năm đầu sau giải phóng và thời kì bao cấp, nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, tập thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của trường luôn tự hào về những thành tựu đã đạt được. Sự nghiệp đào tạo giáo viên mầm non hiện nay của ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng nói chung và của trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng nói riêng sẽ mãi ghi nhớ sự đóng góp quan trọng, những bước khởi đầu nền tảng của trường Sư phạm Mẫu giáo Quảng Nam – Đà Nẵng.

Cùng với trường Sư phạm Mẫu giáo, trường Nuôi dạy trẻ Quảng Nam – Đà Nẵng là một trong những cơ sở giáo dục tiền thân của trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng ngày nay. Đây là một trong những cơ sở đầu tiên đào tạo cô nuôi dạy trẻ cho tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và các tỉnh khác trong khu vực.

Nét đặc thù của trường Nuôi dạy trẻ Quảng Nam – Đà Nẵng so với các cơ sở giáo dục khác là trực thuộc Ủy ban Chăm sóc & Bảo vệ bà mẹ, trẻ em tỉnh. Ngay những năm đầu sau giải phóng, cả nước bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và từng bước ổn định, phát triển. Trong bộn bề khó khăn nhưng các cấp lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng rất quan tâm đến việc chăm lo bồi dưỡng, giáo dục cho đối tượng trẻ em, những mầm non tương lai của đất nước. Năm 1977, trường Sư phạm Mẫu giáo Quảng Nam – Đà Nẵng trực thuộc Sở GD&ĐT được thành lập thì năm 1978, Trường Nuôi dạy trẻ Quảng Nam – Đà Nẵng trực thuộc Ủy ban Chăm sóc & Bảo vệ bà mẹ, trẻ em tỉnh được thành lập.

Bảng 1: Danh sách Hiệu trưởng, Hiệu phó trường Nuôi dạy trẻ (1978 – 1984)

Năm

Hiệu trưởng

Ghi chú

1978 – 1982

Lê Thị Nhụ

Kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc & Bảo vệ bà mẹ, trẻ em tỉnh

1982 – 1987

Nguyễn Thị Bàng

Kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc & Bảo vệ bà mẹ, trẻ em tỉnh

 

Nguyễn Thị Nghiêm

 

1978 – 1984

Nguyễn Thị Mạo

Hiệu phó

1984 – 1987

Nguyễn Thị Minh Tâm

Hiệu phó

Khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ viên chức của trường chỉ có 8 người gồm 04 giáo viên và 04 cán bộ. Trong quá trình phát triển, đội ngũ cán bộ được tăng cường, lúc cao điểm có 12 giáo viên và 06 cán bộ. Vì đặc thù của trường là trực thuộc Ủy ban Chăm sóc & Bảo vệ bà mẹ, trẻ em tỉnh nên phần lớn cán bộ viên chức phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Phần lớn cán bộ của trường là những cô giáo trẻ, chưa có gia đình, rất nhiệt huyết và hăng say với công việc. Ngoài ra, có một số cô giáo từ chiến khu về. Hầu hết giáo viên của nhà trường đã được cử đi đào tạo chuyên môn về nuôi dạy trẻ ở miền Bắc sau ngày thống nhất đất nước nên có trình độ chuyên môn vững vàng.

 Từ năm 1986 – 1987, trường chuyển về cơ sở ở Hòa Khánh, gần Trường Đại học Bách khoa. Lúc này, trường có 04 cơ sở với tổng diện tích lên đến 6000 m2 nhưng chỉ có 05 phòng học và phòng thực hành, không có thư viện.

Lúc mới thành lập, cở sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường rất thiếu thốn. Sau đó, với sự viện trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hệ thống trang thiết bị dạy học của nhà trường đã được trang bị khá đầy đủ và cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học của giáo viên và học viên.

Về công tác đào tạo, Trường xây dựng chương trình đào tạo cô nuôi dạy trẻ theo hệ sơ cấp 1 năm và bồi dưỡng theo chương trình 03 tháng hoặc 06 tháng cho đối tượng cô nuôi dạy trẻ từ các địa phương cử tuyển lên. Trung bình mỗi năm Nhà trường đào tạo và bồi dưỡng hơn 200 cô nuôi dạy trẻ cho các địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và một số địa phương khác. Chất lượng đào tạo của Nhà trường được đánh giá cao, các cô nuôi dạy trẻ đều tận tâm, yêu nghề, mến trẻ và gắn bó với công tác nuôi dạy trẻ ở các địa phương.

Mặc dù là một cơ sở đào tạo nhỏ, trực thuộc Ủy ban Chăm sóc & Bảo vệ bà mẹ, trẻ em tỉnh nhưng tổ chức Đảng, Công đoàn và Đoàn Thanh niên của trường phát triển khá mạnh mẽ, sôi nổi, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ dạy và học của nhà trường.

Năm 1987, Chính phủ có chủ trương sáp nhập Ủy ban Chăm sóc & Bảo vệ bà mẹ, trẻ em vào Sở GD & ĐT, các cơ sở trực thuộc Ủy ban cũng tiến hành sáp nhập vào Sở. Vì vậy, tháng 10/1987, Trường Nuôi dạy trẻ Quảng Nam – Đà Nẵng tiến hành sáp nhập vào Trường Trung học Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng. Lúc này, trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên Tiểu học, Mầm non và cô nuôi dạy trẻ cho tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng phù hợp với lực lượng đội ngũ cán bộ và định hướng phát triển chung của nhà trường.

Từ tháng 9 năm 1990, thực hiện chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng về việc sắp xếp lại các trường Sư phạm trong tỉnh, trường Trung học Sư phạm được sáp nhập với trường Cao đẳng Sư phạm thành trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng với cơ cấu tổ chức gồm các Khoa và Phòng ban. Lúc này, Khoa Giáo dục Tiểu học – Mầm non ra đời do Thầy Lê Tử Tín, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Trung học Sư phạm được bố trí làm Chủ nhiệm Khoa và tổ Giáo dục Mầm non tồn tại với tư cách là một ngành đào tạo thuộc Khoa Giáo dục Tiểu học – Mầm non. Bắt đầu từ đây, Khoa được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên Tiểu học và Mầm non có trình độ 12+2 và bồi dưỡng chuẩn hóa cho đội ngũ giáo viên Tiểu học, Mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Năm 1994, theo Nghị định 32/CP ngày 04/4/1994 của Chính phủ về việc thành lập  ĐHĐN, Trường ĐHSP - ĐHĐN được thành lập trên cơ sở tập hợp, sắp xếp lại một số cơ sở giáo dục cao đẳng và đại học trên địa bàn Đà Nẵng. Khoa vẫn thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên Tiểu học, Mầm non 12+2 và bồi dưỡng chuẩn hóa cho đội ngũ giáo viên. Đến năm 1997, Khoa bắt đầu đào tạo giáo viên trình độ 12+3. Từ năm 2000, ngoài việc đào tạo các hệ vừa làm vừa học, Khoa đào tạo bậc Cao đẳng chính qui ngành Tiểu học, Mầm non. Đến năm 2004, Khoa đào tạo bậc Đại học chính qui cho sinh viên hai ngành Tiểu học, Mầm non và các hệ liên thông từ Cao đẳng lên Đại học, Trung cấp lên Đại học.

Vào ngày 7 tháng 11 năm 2014 theo quyết định số 6556/ QĐ-ĐHĐN, Khoa Giáo dục Mầm non chính thức được tách thành một Khoa hoạt động hoàn toàn độc lập nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, phù hợp với quy mô và sự phát triển của Trường Đại học Sư phạm. Với uy tín và bề dày công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, Khoa đã và đang tiếp tục mở rộng qui mô đào tạo khắp các tỉnh thành khu vực miền Trung Tây Nguyên và trên cả nước. Đây chính là minh chứng cho sự tin tưởng của xã hội đối với sản phẩm đào tạo của Khoa.

Như vậy, kể từ lúc được thành lập và thực hiện hoạt động đào tạo cho đến nay, Khoa Giáo dục Mầm non đã trải qua nhiều chặng đường phát triển gắn với sự lớn mạnh không ngừng của Khoa Giáo dục Tiểu học – Mầm non, của Trường Đại học Sư phạm và Đại học Đà Nẵng, góp phần đào tạo được hơn 20.000 giáo viên mầm non, được xã hội đánh giá cao về năng lực nghiệp vụ cũng như khả năng đáp ứng sự nghiệp đổi mới của ngành học.