Quy chế đào tạo tiến sĩ mới có “nới” nhưng không hẳn “lỏng” - Trả lời từ PGS.TS Võ Văn Minh


20-07-2021

ThS. Đào Thị Linh Giang 387

 

Quy chế đào tạo tiến sĩ mới có “nới” nhưng không hẳn “lỏng”

Quy chế đào tạo tiến sĩ mới có “nới” nhưng không hẳn “lỏng”

GDVN- Khi xác định đúng mục tiêu đào tạo tiến sĩ thì chắc chắn sẽ lựa chọn đúng xu hướng phát triển và chất lượng chứ không chạy theo là số lượng và tấm bằng.

LTS: Ngày 28/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề đào tạo tiến sĩ, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.

Từ thực tiễn, theo ông, những yếu tố nào quyết định chất lượng đào tạo tiến sĩ ở các cơ sở giáo dục đại học?

Phó giáo sư Võ Văn Minh: Đào tạo Sau đại học có 2 bậc là thạc sĩ và tiến sĩ. Tuy nhiên cũng cần phải phân biệt sự khác nhau của 2 bậc này, chứ không phải đơn giản là tiến sĩ chỉ cao hơn thạc sĩ một bậc. Mục tiêu đào tạo tiến sĩ thực chất là đào tạo ra những người có khả năng nghiên cứu độc lập.

Do vậy có 2 vấn đề rất căn bản liên quan đến đào tạo tiến sĩ là đề tài luận án và sản phẩm công bố khoa học. Dù là nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng thì Luận án cũng phải có tính mới và có giá trị. Sản phẩm nghiên cứu phải được công bố trên các tạp chí uy tín, nghĩa là phải được giới chuyên môn phản biện, kiểm duyệt kĩ lưỡng để sản phẩm ấy trở thành tri thức.

Thực tế, để đào tạo tiến sĩ có chất lượng thì trước hết phải kể đến là thái độ của nghiên cứu sinh.

hheee

Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (ảnh: NVCC)

Khi nghiên cứu sinh xác định rõ mục tiêu là rèn luyện để trở thành người nghiên cứu độc lập, thì việc chọn thầy hướng dẫn, chọn đề tài nghiên cứu sẽ phù hợp với năng lực, sở trường của mình; quá trình nghiên cứu suôn sẻ và chắc chắn sẽ thành công. Thứ hai, phải kể đến là người hướng dẫn. Người hướng dẫn nghiên cứu sinh là nhà khoa học uy tín, có trách nhiệm sẽ định hướng, cố vấn khoa học tốt cho nghiên cứu sinh. Thứ ba, cơ sở đào tạo có đủ tiềm lực và uy tín, việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và đánh giá nghiên cứu sinh khách quan, nghiêm túc.

Tóm lại, yếu tố mấu chốt quyết định đến chất lượng đào tạo tiến sĩ vẫn là con người, hay nói đúng hơn là ý thức trách nhiệm của các bên liên quan.

Các thảo luận thời gian gần đây nói nhiều về việc hướng tới các chuẩn mực quốc tế như một cách để bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước. Vậy qua nghiên cứu Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới nhất mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ông thấy chuẩn mực đó đã “đúng, trúng” chưa?

Phó giáo sư Võ Văn Minh: Thoạt đầu nhìn vào Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT người ta có cảm nhận chung là có sự “nới lỏng” so với Thông tư 08/2017/ TT-BGDĐT, tức là ở chỗ quy định về công bố quốc tế. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kĩ thì cũng có “nới” nhưng không hẳn “lỏng”.

Theo Thông tư 08/2017 TT-BGDĐT, yêu cầu “công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện”. Vế thứ nhất, có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus, được xem là chuẩn; nhưng không quy định chặt đối với bài thứ 2. Vế thứ 2 thì không phải “chặt”: “Công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện” thì cũng “thượng vàng hạ cám” và chưa chắc có chất lượng.

Trong khi theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT, yêu cầu “là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án”.

Với Quy chế mới này, cơ bản đã lượng hoá về chất (tối thiểu 2,0 điểm chứ không phải tối thiểu 2,0 bài). Với quy định này, vừa đảm báo tính “mở”, vừa tạo điều kiện cho các Tạp chí uy tín trong nước phát triển, nhưng đồng thời cũng gắn với bảo đảm chất lượng. Vì tối thiểu 2,0 điểm công trình và ở các Tạp chí được tính điểm 0,75 trở lên, cơ bản cũng đã hơn trước đây, nếu như nghiên cứu sinh không có bài trên WoS/ Scopus.

Có lẽ, quy định không ép buộc phải có công bố quốc tế như Thông tư 08/2017 sẽ khiến cho một số người lo ngại về tính “cả nể” khi đánh giá các bài báo trong nước. Tuy nhiên, theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, Thông tư 18/2021 quy định như vậy là phù hợp với Luật 34/2018/QH14. Nghĩa là đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình cho nhà trường. Yêu cầu về công khai thông tin cũng là cách để xã hội giám sát. Các trường đại học đến lúc phải có trách nhiệm quyết định về chất lượng đào tạo và uy tín học hiệu.

Hiện nay, dù không ép buộc phải công bố quốc tế nhưng rất nhiều khoa, ngành và thầy hướng dẫn vẫn hướng nghiên cứu sinh công bố ở các tạp chí quốc tế uy tín. Vì đã xác định đúng mục tiêu đào tạo tiến sĩ thì chắc chắn sẽ lựa chọn đúng xu hướng phát triển và chất lượng chứ không chạy theo là số lượng và tấm bằng.

Tuy nhiên, việc xã hội lo lắng về chất lượng đào tạo tiến sĩ khi bỏ yêu cầu về công bố quốc tế các bên liên quan cũng cần lưu tâm. Theo tôi, dù “nới” hay “thắt” ở quy định về công bố quốc tế, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là cơ quan quản lí nhà nước của ngành cần phải thực hiện giám sát chặt chẽ và Chính phủ cũng cần quan tâm đầu tư phát triển các Tạp chí khoa học trong nước tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Như vậy mới thực sự “đúng và trúng”!

Trong bối cảnh như hiện nay, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ của trường Đại học sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã và đang, sẽ chú trọng những vấn đề gì thưa ông?

Phó giáo sư Võ Văn Minh: Trong hơn 10 năm qua, Đại học Đà Nẵng nói chung và Trường Đại học Sư phạm nói riêng kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, xem đây là mục tiêu sống còn của trường đại học trong bối cảnh hội nhập. Giải pháp đột phá và then chốt vẫn là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cụ thể là duy trì chính sách cho giảng viên trẻ đi học tiến sĩ ở các nước phát triển. Đến nay, đội ngũ được đào tạo bài bản này đã trở thành nguồn nhân lực chính trong toàn Đại học Đà Nẵng. Do vậy, số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín tăng nhanh trong những năm gần đây.

ggjh

Chất lượng đào tạo tiến sĩ là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó tiếp cận chuẩn quốc tế là mục tiêu trước mắt và lâu dài (ảnh: Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng)

Mặt khác, chủ trương phát triển các nhóm nghiên cứu giảng dạy (Teaching Research Team – TRT) cũng là chính sách đặc thù mà Đại học Đà Nẵng đã duy trì và phát triển. Đây là cách kết nối nguồn lực trong Đại học đa ngành nhằm nghiên cứu, đào tạo giải quyết những vấn đề liên ngành, trong đó có đào tạo tiến sĩ.

Riêng tại trường Đại học Sư phạm, hiện nay có 14 TRT phủ đều tất cả các lĩnh vực khoa học và nhất là đã liên kết được các lĩnh vực khoa học với nhau. Số lượng công bố khoa học trên các tạp chí WoS/ Scopus hằng năm tăng từ 1,5-2 lần.

Tạp chí Khoa học, Xã hội, Nhân văn và Giáo dục của Trường đã được đầu tư phát triển và gia nhập rất nhiều cơ sở dữ liệu quốc tế. Phòng thí nghiệm, phòng chuyên đề, Trung tâm học liệu được đầu tư hiện đại,... Đặc biệt, các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của giảng viên, yêu cầu công bố quốc tế ở các tạp chí Q1, Q2 cũng như bắt buộc phải hỗ trợ NCS và thạc sĩ. Chúng tôi xác định đào tạo tiến sĩ là trách nhiệm và vinh dự của nhà trường. Chất lượng đào tạo tiến sĩ là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó tiếp cận chuẩn quốc tế là mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Trân trọng cảm ơn ông.

Những điểm thay đổi đáng chú ý của Thông tư 18/2021 so với Thông tư 08/2017

Thứ nhất, theo Quy chế cũ, nghiên cứu sinh cần công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus, hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

Theo Quy chế mới, các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục WoS/Scopus vẫn là yêu cầu để minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, Quy chế mới bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0,75 điểm trở lên). Cách tính điểm sẽ căn cứ khung điểm tối đa của Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định, với tổng điểm đối với người đủ điều kiện hướng dẫn nghiên cứu sinh là 4,0 và đối với đầu ra của nghiên cứu sinh là 2,0.

Thứ hai, Quy chế mới bổ sung minh chứng về trình độ ngoại ngữ, theo đó minh chứng sử dụng các chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bên cạnh những chứng chỉ được quốc tế công nhận như IELTS, TOEFL theo quy định trước đây.

Thứ ba, Quy chế mới điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh được hướng dẫn trong cùng một thời gian cụ thể, giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 7 nghiên cứu sinh; phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 5 nghiên cứu sinh; tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 3 nghiên cứu sinh. Trường hợp đồng hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 nghiên cứu sinh. Theo quy định trước đây, số nghiên cứu sinh tối đa hướng dẫn tương ứng là 5, 4 và 3.

Thứ tư, thời gian đào tạo tiến sĩ cũng được thay đổi so với trước để đáp ứng yêu cầu đào tạo của thực tiễn. Theo đó, tổng thời gian đào tạo tiêu chuẩn là từ 3 - 4 năm. Tổng thời gian học tập nghiên cứu trước khi trình hồ sơ thực hiện quy trình phản biện độc lập và bảo vệ cấp cơ sở là 6 năm. Thời hạn để hoàn thiện các thủ tục bảo vệ luận án ở cơ sở sau thời gian này là từ 6 tháng đến 1 năm tùy tình hình thực tế do cơ sở đào tạo quyết định.

Theo Quy chế trước đây, nghiên cứu sinh không có khả năng hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn chỉ được xin gia hạn học tập không quá 24 tháng. Nếu hết thời gian gia hạn luận án của nghiên cứu sinh không được thông qua, kết quả học tập sẽ không được bảo lưu.

Thứ năm, phản biện độc lập đối với luận án có thể tiến hành 2 lần, tăng so với 1 lần so với quy định trước đây, nhằm đảm bảo nghiên cứu sinh và người đánh giá có cơ hội giải trình hoặc bảo lưu quan điểm trong nghiên cứu của mình.

 Thùy Linh